Canh chua Nam Bộ

Món ăn phổ biến nhất miền Nam là món canh chua. Thực phẩm chua ở miền Nam phong phú hơn ngoài Bắc, có thể nói bất cứ ở thành thị hay nông thôn. Chỗ nào cũng dễ mua dễ kiếm. Ngoài chợ trong vườn đủ thứ của chua, nào me, nào khế, chùm ruột, xoài xanh, bần, lá giang, ngoài ra nhiều nhà còn dự trữ cả me khô bỏ hột nêm muối để ăn quanh năm. Các loại rau đắng, rau ngổ, bông súng, bạc hà (dọc mùng) cùng rau thơm, rau mùi, ớt tươi càng làm cho món canh chua Nam Bộ đạt đúng mùi vị, nơi khác nấu chẳng thể bằng. Trời quá nóng đã có món canh khổ qua (mướp đắng), rau má nấu lẫn hành lá để làm món thanh nhiệt rất được hâm mộ.

các món đặc sản miền nam
các món đặc sản miền nam

Mắm kho

Một món đặc sắc Nam Bộ nữa là món mắm theo phương pháp cổ đại của người Khơ Me làm mắm kho rất ngon. Cá lóc loại to nấu lấy nước canh loãng làm nước kèn, mắm ăn với rau dừa nước, rau muống, bông súng hoặc với thân chuối non, hoa chuối thái mỏng, ăn mắm kèm với khế, xoài xanh, chuối chát với ớt tươi rau thơm và một chút đường trộn lẫn.Những bữa làm ruộng ngoài đồng có thể ăn mắm sống nhưng là mắm kho. Bữa cơm dã ngoại như thế cũng tận hưởng đủ vị sảng khoái của mắm kho Nam Bộ giữa nơi đất trời hương đồng gió nội chẳng kém chi bữa ăn tại nhà hàng ấm cúng.

Gỏi đậu rồng

Món gỏi đậu rồng nhai cứ sừn sựt, mùi hăng hoà cùng vị thơm nồng của tỏi ớt chắc là cũng được xếp hạng thứ hai sau gỏi khác. Lại còn món gỏi kèo bóp thấu gồm củ cải trắng, củ cải đỏ bào mỏng trộn với cá kèo nướng xé sợi, cũng là món có vị chua chua ngọt ngọt cay nồng dùng làm món nhắm thực là tuyệt diệu.

Còn nhiều món ngon xưa, ngày nay vẫn tái hiện khó mà ai biết xuất xứ từ đâu và tự bao giờ. Chẳng hạn như món gỏi rau dút với phần đọt non tước bỏ lá chẻ đôi, trần qua nước sôi cho tái bớt rồi trộn với tôm bạc đất, thịt ba chỉ, mực khô thái sợi cùng với hành tây, giấm đường ăn kèm cùng bánh phồng tôm, chấm nước mắm chua ngọt thì chẳng thứ gỏi rau nào vượt nổi. Cái giòn, cái đậm đà đầy đủ vị đặc trưng của thứ gỏi vừa cổ truyền vừa hiện đại này. 

Tôm bạc nướng đất

Món tôm bạc đất nướng cọng dừa ngon nhất vào lúc lúa gần chín. Tôm mập tròn nhờ ăn những mài lúa rơi rụng xuống ruộng ngoài đồng. Lấy một cọng sống lá dừa xiên ngang thân tôm tươi mỗi xâu chừng 5-6 con. Nếu tẩm được gia vị càng tốt, bằng không cứ để thế nướng trên lửa rơm, vỏ tôm táp cháy nhưng thịt tôm vẫn đỏ mềm, chấm ăn với nước mắm me sền sệt chua, ăn cả phần đuôi bởi nó cũng giòn tan thơm lựng.

Còn một món ngon Nam Bộ Xưa nữa là lươn om lá nháo, giống lá có vị thuốc trị đau lưng nhưng để ăn thì phải chọn loại không già không non lót vào đáy nồi đất nung. Lươn cắt khúc xếp vào nồi cho mộc nhĩ, hành củ, miến sợi nêm đủ gia vị rồi đổ xâm xấp nước cốt dừa lên trên bắc lên bếp đun liu riu, um lâu mau tuỳ ý. Món ăn kèm là bún và nước mắm nhĩ dầm ớt tươi.

Sài Gòn được xem  là nơi hội tụ nhiều món ăn từ dân dã đến cung đình. Tuy nhiên bản chất món ăn Sài Gòn chịu nhiều ảnh hưởng của vùng đất phương Nam đầy nắng gió để càng lúc càng nâng cao, phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu… Món ăn thể hiện văn hóa của một xứ sở, món ăn Nam Bộ đã thể hiện cái cốt cách của những người một thời đi mở cõi – đó là bản sắc của khẩn hoang, phóng khoáng, không cầu kỳ câu nệ.

Cà Mau có món lươn um lá nhàu. Lươn um kết hợp lá nhàu vừa là món ăn ngon vừa là bài thuốc trị đau lưng, mát gan. Lươn um chấm tương tàu pha nước cốt dừa thì vừa béo, vừa thơm, đậm đà khẩu vị. Từ món lươn có sẵn khéo tay chế biến là có thêm món lẩu lươn “bắt mồi” không kém. Cà Mau còn có món ba khía muối, rắn bông súng nướng, dơi nấu cháo đậu xanh nhưng dễ làm nhất là cá lóc nướng trui.